“Cảm ơn” và “Xin lỗi” là những câu nói cửa miệng đã được dạy từ khi chúng ta còn bé. Tuy nhiên, một sự thật đáng xấu hổ là những câu nói đơn giản nhưng không giản đơn này đã không được sử dụng phổ biến trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh hiện nay.
Nói đến “Cảm ơn” trong doanh nghiệp, hãy thử để ý cấp trên có thường xuyên cảm ơn cấp dưới khi cấp dưới gửi báo cáo qua email hoặc báo cáo miệng? Một nhân viên văn phòng có cảm ơn một đồng nghiệp làm tạp vụ khi thấy nhân viên tạp vụ giúp lau dọn chỗ làm việc của mình? Sau những cuộc họp nội bộ, người chủ trì có cảm ơn những đồng nghiệp đã tham dự cuộc họp? v.v… Bước ra khỏi doanh nghiệp, khi làm việc với nhà cung cấp và khách hàng, ai sẽ được doanh nghiệp cảm ơn nhiều hơn? Khi trả tiền cho một số hoạt động về quảng bá, doanh nghiệp có cảm ơn những đơn vị truyền thông đại chúng? Bạn có nghĩ chúng ta chỉ nên cảm ơn ai mang tiền đến cho mình và không nhất thiết phải cảm ơn người mình đã trả tiền? Còn có rất nhiều ví dụ về những trường hợp, tình huống cần phải có “Cảm ơn” được nói ra nhưng rất tiếc hai từ ngắn gọn này đã bị bỏ quên trong văn hóa ứng xử của rất nhiều doanh nghiệp.
“Cảm ơn” đã như thế, “Xin lỗi” lại càng tồi tệ hơn. có lẽ “Cảm ơn” mang ý nghĩa tích cực trong khi “Xin lỗi” hàm ý tiêu cực cho nên “Xin lỗi” càng ít được nói hơn chăng? Người nói lời “Xin lỗi” có cảm giác như bị hạ mình trước người nghe lời “Xin lỗi”, đặc biệt khi mình là cấp trên. Chính vì vậy, hầu như hiếm khi nghe thấy cấp trên xin lỗi cấp dưới, và lại càng hiếm hoi hơn khi thấy người đứng đầu doanh nghiệp hoặc quản lý cấp cao tổ chức những buổi gặp mặt đội ngũ để chính thức xin lỗi về những quy định, chính sách… được ban hành không đúng. Đối với đối tác bên ngoài, dường như số lần doanh nghiệp tổ chức hội nghị khách hàng, lễ tri ân để cảm ơn khách hàng nhiều hơn số lần doanh nghiệp gặp gỡ riêng khách hàng để xin lỗi về dịch vụ cung cấp của mình! Tương tự như “Cảm ơn”, hai từ “Xin lỗi” đang dạn biến mất trong tự điển quản trị kinh doanh.
Chúng ta đã được dạy về ý nghĩa của “Cảm ơn” và “Xin lỗi” nhưng chúng ta chưa thấy được sức mạnh của những từ này trong hoạt động quản trị kinh doanh. Nếu một doanh nghiệp Việt có văn hóa ứng xử tốt trong nội bộ lẫn đối với bên ngoài, đặc biệt với việc sử dụng “Cảm ơn” và “Xin lỗi” thường xuyên, doanh nghiệp đó sẽ có một tập thể biết trân trọng công sức của nhau, biết lắng nghe, chịu học hỏi, cầu thị… vốn là những tính cách cần có để giúp doanh nghiệp đi lên. Đối với bên ngoài, văn hóa “Cảm ơn” và “Xin lỗi” của doanh nghiệp cũng tạo nên một hình ảnh và ấn tượng tốt về doanh nghiệp đối với đối tác và xã hội. Chính nhờ vào những từ đơn giản này, doanh nghiệp sẽ có sự ủng hộ và gắn bó lâu dài của khách hàng, nhà cung cấp cũng như sự hỗ trợ từ cơ quan ban ngành, truyền thông và xã hội.
Theo: Khi bạn là CEO