Tôi háo hức tới gặp một CEO về công nghệ có tiếng là trẻ và tài giỏi để xin tài trợ một dự án đọc sách cho trẻ.

Anh nghe tôi trình bày về dự án, gật gù khen ý tưởng hay, có ý nghĩa cho cộng đồng. Nhưng anh không ủng hộ. Anh cho rằng giờ là thời đại của công nghệ số, những gì chúng tôi đang làm quá “cổ điển”, và sẽ không có tầm nhìn phát triển. Khắp nơi, từ trẻ con đến người già đều dùng thiết bị thông minh mà dự án này lại chỉ dựa vào con người thì “không mang tính thời đại”.

Anh hãnh diện kể với tôi, con trai anh mới bốn tuổi đã có thể nói và đọc tiếng Anh rất tốt. Cháu hoàn toàn tự học bằng cách xem các chương trình tiếng Anh trên internet mỗi ngày chứ không qua bất kỳ trường lớp nào. Anh cũng hạn chế các kênh tiếng Việt đối với cháu như truyền hình trong nước hay sách vở, bởi anh tin rằng, cháu là người Việt, kiểu gì cũng giỏi tiếng Việt, “chỉ có tiếng Anh mới cần phải luyện”. Tôi hỏi có bao giờ anh, chị đọc sách cho cháu nghe không. Anh thú thật, vợ chồng anh đều quá bận, không có thời gian cho việc đó. Giờ cháu đã tự đọc được rồi, thì càng không cần người khác đọc cho nghe nữa.


Tôi chưa có cơ hội tiếp xúc để biết mức độ thông thạo tiếng Anh của bé. Nhưng từ kinh nghiệm và quan điểm cá nhân, tôi lại cảm thấy lấn cấn về cách mà anh chị tạo môi trường học tập cho con. Đó là phương pháp mà tiến sĩ Hutton – nhà nghiên cứu về hoạt động đọc và viết của trẻ tại viện Nhi Cincinnati, Hoa Kỳ – cho rằng “quá nóng”.

Nghiên cứu mới đây của tiến sĩ Hutton đã chỉ ra “hiệu ứng Goldilocks” trong những chiến lược đọc cho trẻ. Những cách thức khác nhau sẽ mang lại hiệu quả hoàn toàn khác nhau đối với sự phát triển não bộ, đặc biệt với trẻ dưới năm tuổi.

Trẻ nghe, xem, học từ những thiết bị điện tử là một chiến lược “quá lạnh”, đòi hỏi nhiều căng thẳng nhận thức để hiểu được câu chuyện. Mặc dù mạng lưới ngôn ngữ được kích hoạt nhưng sự liên kết giữa các vùng não lại rất kém. Ngược lại, việc cho trẻ xem nhiều phim hoạt hình hay video lại là một chiến lược “quá nóng” bởi hình ảnh và âm thanh di chuyển quá nhanh khiến cho sự tưởng tượng và quá trình tích hợp thông tin trong não trở nên kém hiệu quả.

Trong khi đó, đối với những cuốn sách có câu chuyện kể và hình minh họa, hiểu biết của trẻ được “dàn dựng” qua gợi ý từ những bức tranh và tình tiết. Quan trọng hơn, các nhà nghiên cứu đã thấy sự gia tăng kết nối giữa tất cả các mạng lưới của não bộ: nhận thức trực quan, hình ảnh, chế độ mặc định và ngôn ngữ. Chế độ mặc định được kích hoạt sẽ giúp cho con người suy nghĩ sâu sắc và sáng tạo hơn. Đối với trẻ từ 3-5 tuổi, mạng hình ảnh và chế độ mặc định cần được luyện tập để tích hợp vào não bộ. Vì thế, nếu trẻ tiếp xúc quá nhiều với thiết điện tử, trẻ có thể đã bỏ lỡ cơ hội luyện tập này.

Còn việc cho trẻ chơi quá nhiều điện thoại thông minh đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra vô số tác hại. Nó hủy hoại mối quan hệ cha mẹ – con cái, khiến trẻ tê liệt về cảm xúc, hình thành suy nghĩ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, gây trầm cảm, làm chậm quá trình trưởng thành và khó hòa nhập khi bước ra thế giới thực, gây lo âu cùng các vấn đề sức khỏe tâm thần, thiếu ngủ, học tập suy giảm, giảm khả năng nhận thức, béo phì, rối loạn hành vi, cảm thấy không hạnh phúc, gây các bệnh về mắt và thể chất. Thậm chí, Tổ chức Y tế Thế giới đã xác nhận rằng bức xạ của điện thoại di động có thể gây ung thư.

Thế nhưng, chiến lược “quá nóng” đang được nhiều bố mẹ Việt Nam áp dụng. Ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cháu bé dán mắt vào điện thoại hay máy tính bảng ở khắp mọi nơi, trong nhà hàng, ga tàu, sân bay, và đặc biệt là ở nhà. Phần lớn các bố mẹ dùng thiết bị thông minh để “trông trẻ”, khiến họ được yên thân.

Kinh khủng hơn, nhiều bà mẹ dùng cách này để dỗ con ăn. Cũng có những bố mẹ như anh CEO ở trên, sử dụng các thiết bị công nghệ làm phương tiện học tập cho con, chúng thay thế vai trò của cha mẹ trong hành trình chơi và học cùng con cái.

Những người yêu công nghệ có biết rằng, ngay cả những ông vua công nghệ như Bill Gates hay Steve Jobs đều không cho phép con sử dụng điện thoại thông minh cho tới năm 14 tuổi. Báo đài cũng đưa tin không ít về tác hại của thiết bị điện tử, nhưng dường như rất nhiều bố mẹ đã tặc lưỡi tự thỏa hiệp với bản thân “xem một tí thôi, ngày mai sẽ thiết quân luật”. Nhưng mỗi lần tặc lưỡi là thêm một lần họ tước đi cơ hội được vui chơi lành mạnh, khám phá thế giới và bay bổng cùng với trí tượng tưởng vô biên của con mình.

Nhiều phụ huynh sẽ hỏi ngược lại tôi, tưởng tượng để làm gì, để thành nhà văn ư, để làm nghệ sĩ ư, chúng tôi đâu cần điều đó, giờ là thời đại 4.0 rồi, chúng tôi thích con mình giỏi công nghệ. Diễn đàn Kinh tế thế giới trong báo cáo về “Vốn con người” đã đưa ra một danh sách các kỹ năng cần thiết để con người thích ứng được các ngành nghề tương lai, trong đó ba kỹ năng hàng đầu là: giải quyết vấn đề phức tạp, khả năng tư duy phản biện và tính sáng tạo. Đáng tiếc, trẻ khó có thể hoàn thiện những kỹ năng này khi tương tác thường xuyên với thiết bị công nghệ.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên kết chặt chẽ giữa hoạt động đọc sách, hoặc được nghe đọc sách thường xuyên với thành tích học tập tốt ở trường. Những trẻ em thường xuyên đọc sách hoặc được đọc cho nghe không những có khả năng ngôn ngữ và giải quyết vấn đề tốt mà còn phát triển tư duy phản biện và tự tin hơn trong cuộc sống.

Tuy nhiên, có lẽ những kết quả tích cực này chỉ có thể nhìn thấy sau nhiều năm nên không lấy được lòng tin của bố mẹ, những người luôn mong muốn được nhìn thấy điểm 10 của con sau mỗi buổi học. Và học thêm, “chín ép” vẫn là lựa chọn hàng đầu.

Chúng ta có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để phát huy những hoạt động của thư viện, có những câu lạc bộ đọc sách, có ngày sách, đường sách… Tôi mong ước, các nhà giáo dục đưa được giờ đọc sách vào trường học như những giờ học chính khóa; học sinh được chính các thầy cô khuyến khích và cùng đồng hành trên con đường khám phá trang sách. Và nhiều cha mẹ hơn đặt các thiết bị thông minh xuống, cầm một cuốn sách lên và đọc cho con nghe với tất cả sự vui thú, nhiệt tình.

Ngô Thị Phương Lê

 Website - Đưa doanh nghiệp, cửa hàng của bạn từ ao làng ra biển lớn, kết nối khách hàng mọi lúc mọi nơi, xem chi tiết.
CHUYÊN MỤC

BÀI VIẾT MỚI

HTML Snippets Powered By : XYZScripts.com